(ĐTCK) Mọi thứ dường như vẫn chưa phải là quá tệ đối với thị trường trước khi bước vào phiên ATC. Nhưng phiên khớp lệnh giá đóng cửa này thêm một lần khiến nhiều nhà đầu tư “ôm hận”, khi lực bán giá sàn ồ ạt xuất hiện và một phiên giảm sâu là khó tránh khỏi.

Sau phiên sáng giao dịch khá thận trọng và ảm đạm với thanh khoản khá yếu, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ quanh tham chiếu khá nhàm chán.

Tuy nhiên, bước ngoặt lại đến sau khung thời gian 14h, khi nhà đầu tư mất kiên nhẫn và quyết định bán dứt khoát khiến sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử, cùng số mã giảm lấn át ở nhóm bluechip, dù không quá mạnh nhưng cũng đủ khiến VN-Index giảm về gần 1.100 điểm, tương đương giảm hơn 10 điểm so với tham chiếu trước khi bước vào phiên ATC.

Chưa dừng lại ở đó, lệnh bán giá sàn được tung vào ồ ạt với đích đến là các cổ phiếu vừa và nhỏ tại các nhóm bất động sản, công ty chứng khoán, nguyên vật liệu và không ít bluechip cũng nới rộng đà giảm đã khiến VN-Index đổ đèo, giảm tổng cộng hơn 25 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 109 mã tăng và 397 mã giảm (34 mã giảm sàn), VN-Index giảm 25,33 điểm (-2,27%), xuống 1.088,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,02 tỷ đơn vị, giá trị 20.637,9 tỷ đồng, tăng gần 9% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 76 triệu đơn vị, giá trị 1.479 tỷ đồng.

Rổ VN30 còn duy nhất VHM về tham chiếu, còn lại đều đóng cửa mất điểm. Trong đó, dẫn đầu là hai cái tên MWG và SSI, với mức giảm hơn 6% xuống lần lượt 37.300 đồng và 30.900 đồng, với SSI khớp lệnh cao nhất nhóm này khi có hơn 27 triệu đơn vị khớp lệnh.

Theo sau là HPG -5% xuống 25.850 đồng, SAB -4,9% xuống 60.400 đồng, GVR -4,2% xuống 19.300 đồng. Các cổ phiếu VJC, HDB, STB và SHB giảm 3%, nhóm VIB, ACB, FPT, MSN, GAS, VPB giảm 2% đến 2,5%, còn lại giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, như đã đề cập, lực bán giá sàn lấn át khiến các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng như NHA, PDR, HTN, VRC, CTD, DIG, NLG, QCG, GEX, TCH, DXG, HDC đều giảm về mức giá sàn.

Nhóm công ty chứng khoán với VIX, FTS, BSI, AGR, CTS, VCI cũng đã giảm sàn, các mã khác cũng giảm khá sâu, ngoài SSI nêu trên thì ORS -6,1% xuống 16.300 đồng, VND -5,9% xuống 20.600 đồng, HCM -5,6%, VDS và APG may mắn chỉ giảm nhẹ hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với BMP, KSB, NHH, NKG và HSG cũng nằm trong số những cái tên bị bán mạnh và giảm sàn trong phiên này.

Các cổ phiếu khác trên sàn với thanh khoản cao cũng giảm tương đối sâu, như DCM, PVD, EVG, PET, VGC, EVF, HAH, HQC, CII, BCG mất từ 3,7% đến hơn 5,5%.

Trái lại, một số ít vượt qua áp lực chung và có mức tăng khá như SAM và CIG khi đều tăng trần lên 6.800 đồng và 6.830 đồng.

Đáng chú ý là HAG, dù không giữ được sắc tím nhưng vẫn đóng cửa tăng mạnh +4,7% lên 9.800 đồng, khớp hơn 52,9 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này cao nhất là NVL với 59,2 triệu đơn vị và dù có lúc đã tăng tới hơn 5%, nhưng đã bị bán mạnh về cuối phiên và đảo chiều giảm 2% xuống 17.000 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index chịu sức ép lớn về cuối phiên và lao dốc, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 5,95 điểm (-2,58%), xuống 224,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 129 triệu đơn vị, giá trị 2.662,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,9 triệu đơn vị, giá trị 114,5 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu đã đảo chiều đi xuống dưới tham chiếu hoặc nới đà giảm, với VGS là đại diện đáng kể nhất khi lùi về giá sàn -9,7% xuống 20.600 đồng.

Các cổ phiếu MBS -9,6% xuống 19.900 đồng, SHS -7,6% xuống 17.000 đồng theo sau về đà giảm. Các mã CEO, HUT, PVS, IDC giảm hơn 5%, còn TIG, PVC, TNG, DTD, MST, LAS giảm 3-4%.

Trong đó, CEO phiên này khớp lệnh cao nhất sàn với gần 33 triệu đơn vị, SHS khớp 28,5 triệu đơn vị, HUT khớp hơn 10,3 triệu đơn vị…

Cổ phiếu L14 từ mức giá trần đã lùi về còn +3,5% lên 44.800 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng dần tìm về các mức thấp hơn trong phiên chiều, trước khi có nhịp nảy nhẹ ở cuối phiên thu hẹp đà giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,09 điểm (-1,26%), xuống 84,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,4 triệu đơn vị, giá trị 644,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,88 triệu đơn vị, giá trị 25 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu đáng kể nhất là HSV và HIO, dù không giữ được sắc tím, nhưng vẫn còn tăng mạnh, với HSV +8,9% lên 4.900 đồng, khớp 0,59 triệu đơn vị và HIO +13% lên 21.800 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thanh khoản cao hơn, ngoài SBS, BOT, VHG, DGT, LMH đứng tham chiếu, thì đều giảm, dù phần lớn cũng không giảm quá sâu.

Trong đó, BSR vẫn là cái tên hút thanh khoản nhất với 13,3 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm 1,6% xuống 18.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, mất từ hơn 25 đến 32 điểm. Trong đó, VN30F2312 giảm 32 điểm, tương đương -2,88% xuống 1.080 điểm, khớp lệnh hơn 302.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này hai mã CMWG2306 và CHPG2325 vượt trội về khối lượng giao dịch khi có hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh, với CMWG2306 đứng tham chiếu tại 10 đồng/cq, còn CHPG2325 giảm 16,3% xuống 360 đồng/cq.